Ngoài ăn trái cây để diệt sâu bọ trong ngày 5/5 Âm lịch hằng năm, người dân ở các vùng miền còn làm cơm rượu, bánh ú tro… để đón Tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu nếp cẩm
Nguyên liệu:
Đây là loại đồ ăn được ưa thích trong ngày 5/5 âm lịch của rất nhiều người.
- 1kg nếp cẩm
- 3 viên men ngọt (như trong hình )~ 100g cho 1kg gạo nếp.
- 1 muỗng canh đường
- Lá sen.
Cách làm:
Bước 1:
Nếp vo sạch, ngâm qua đêm.
Bước 2:
Cho nếp vào xửng đồ chín.
Bước 3:
Khi nếp chín, cho ra mâm hoặc 1 cái nia tãi đều ra.
Bước 4:
Chuẩn bị 1 nồi to, cho vào xửng hay dùng để hấp xôi, lót 1 lớp lá sen lên trên, đục thủng ở giữa để nước rượu có thể chảy xuống dưới rồi rải cơm nếp cẩm lên trên. Lúc này nếp vẫn còn hơi âm ấm bạn nhé!
Bước 5:
Men tán nhuyễn, rải một lớp lên nếp. Tiếp tục với các lớp nếp và men cho đến hết.
Bước 6:
Gói kín lá sen lại, đặt vào nơi kín gió.
Mình phủ thêm một lớp lá sen lên trên cho kín rồi cất vào lò nướng, với tiết trời mùa hè nắng nóng thì khoảng 3 - 4 ngày sau là ăn được rồi!
Và đây là món rượu nếp cẩm chuẩn bị cho tết Đoan ngọ ở nhà mình:
Phần nước rượu chảy xuống dưới bạn pha với chút đường, khi ăn rưới lên cơm rượu nhé!
Bạn cũng có thể dùng cơm nếp cẩm này với sữa chua để có món sữa chua nếp cẩm tuyệt ngon.
Bánh ú nước tro
Nguyên liệu (làm bánh tro không nhân):
Ăn bánh tro không nhân sẽ tốt hơn.
- ½ kg gạo nếp
- 2 muỗng canh nước tro tàu
- Lá tre và dây để cột bánh
Cách làm:
- Nếp ngâm khoảng nửa ngày cho nở, sau đó xả lại nước cho sạch để ráo, cho nếp vào thau, dùng khoảng 1/2 chén cơm nước pha với hai muỗng canh nước tro tàu, quậy tan rồi cho vào thau nếp trộn đều, để qua đêm.
- Hôm sau mang nếp ra xả lại nước vài lần để ráo, trộn vào 1 muỗng canh dầu ăn xóc đều.
- Lá tre ngâm nước ấm cho lá mềm, rửa sạch, sau đó trụng nước sôi cho lá héo, mang lên để ráo lau khô.
- Xếp hai chiếc lá tre lại với nhau, gấp lại để tạo thành một chiếc phễu nhỏ, múc khoảng 2 muỗng canh nếp cho vào, gấp lại tạo thành hình tam giác, dùng dây cột chặt bánh lại.
- Sau khi đã gói hết phần nếp thì xếp bánh vào nồi, đổ nước cho ngập mặt bánh, nấu sôi bằng lửa to, khi bánh sôi thì giảm lửa vừa, nấu ba giờ là bánh chín.
- Nếu nước có cạn bớt thì thêm nước sôi cho ngập mặt bánh và nấu tiếp (lưu ý: nước lúc nào cũng phải ngập mặt bánh, không đủ nước bánh sẽ bị sống hoặc sượng, không dùng nước lạnh đổ vào khi cạn nước).
- Ăn bánh tro không nhân sẽ tốt hơn, nếu không, có thể chấm với mật mía hoặc đường.
Bánh men nước cốt dừa
Nguyên liệu:
Món ăn này ngon mà chế biến đơn giản.
- 300g bột năng khô, có thể dùng bột sắn dây nghiền thật mịn
- 2 thìa nhỏ bột gạo - 1 thìa nhỏ bột nở hay còn gọi là bột nổi
- 100g đường cát trắng - 130ml nước cốt dừa đóng hộp - 1 ống vani.
Cách làm:
- Trộn lẫn bột gạo khô, bột năng và bột nở vào âu sạch.
- Thêm đường cát trắng, dùng muôi trộn đều, châm từ từ nước cốt dừa vào âu bột, vừa trộn vừa châm nước cốt dừa, hỗn hợp bột lúc này sẽ rời rạc và khô, bạn vừa châm nước cốt dừaa đến khi hỗn hợp bột thành một khối đồng nhất, tiếp tục dùng tay nhồi bột thành hỗn hợp bột dẻo, ấn nhẹ vào không dính tay.
- Bột sau khi nhồi thì dùng khăn hay nilon phủ kín âu bột, để từ 4 đến 5 tiếng cho bột nở.
- Bột sau khi ủ sẽ hơi khô, nhưng khi nắm lại thì tạo thành một khối, thêm vani vào, dùng tay ngắt thành từng viên nhỏ, vo tròn, xếp vào khay có lót giấy nướng để chống dính.
- Cho khay bột vào lò nướng, lò đã bật nóng trước 5 phút, nướng khoảng 20-25 phút ở nhiệt độ 160 độ C.
- Bạn có thể dùng đũa lật phần đáy bánh, nhìn phần đáy bánh có màu vàng cánh gián nhẹ thì lấy ra khỏi lò. Để nguội, cất vào lọ dùng dần.
Chè nếp cẩm
Nguyên liệu (6-8 phần ăn):
Bát chè nếp cẩm không những giúp bạn giải nhiệt mà còn làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn rất nhiều.
- 250g gạo nếp cẩm rửa sạch
- 2 lít nước
- 100g đường
- 250g sữa dừa
- ¼ muỗng cà phê muối
Cách làm:
Ngâm gạo trong nước lạnh và chà sát bằng lòng bàn tay để làm sạch chúng.
Đặt gạo dưới vòi nước chảy cho đến khi gạo sạch hoàn toàn.
Cho gạo vào nồi nước sôi, nấu cho đến khi chín.
Thêm đường và nước cốt dừa vào, đun sôi, lúc này món ăn sẽ sánh đặc.
Chỉ như thế thôi là bạn đã có một món chè nếp cẩm ngon rồi. Thưởng thức khi còn ấm thì ngon hơn đấy.
Cơm rượu nếp miền Nam
Nguyên liệu:
Món ăn này không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
- 1kg gạo nếp
- 1 lít nước
- 15 viên men nhỏ (khi tán nhuyễn được khoảng 5 muỗng cafe)
- 1 xấp lá chuối.
Cách làm:
Bước 1: Lá chuối rửa sạch, để ráo.
Gạo nếp vo sạch, để ráo.
Nấu sôi 1 lít nước rồi cho nếp và nước sôi vào nồi cơm điện, nấu chín thành cơm nếp.
Bước 2: Xới cơm nếp ra khay thành lớp mỏng, để nguội.
Bước 3: Giã nhuyễn men.
Bước 4: Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng.
Bước 5: Khi cơm nếp nguội thì rây men đều lên mặt cơm nếp. Lưu ý là cơm nếp phải nguội nhé, nếu cơm còn nóng thì men sẽ bị “chết”, không thành rượu được.
Chuẩn bị chén nước pha 1 muỗng cafe muối để thoa tay cho khỏi dính.
Bước 6: Vắt cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay, quấn lá chuối quanh viên cơm nếp, mình làm 2 viên cùng nhau như trong hình.
Bước 7: Xếp viên cơm nếp vào thố thành từng lớp, trên cùng đậy một lớp lá chuối. Đậy nắp thố, cho thố vào 2 lớp nylon buộc kín lại. Ủ trong 3-5 ngày thì được. Tùy chất lượng men và nhiệt độ mà thời gian ủ có thể khác nhau. Sau 3 ngày các bạn có thể mở thố ra thăm chừng, mùi men rượu tỏa ra thơm, viên cơm rượu mềm hơn, nước rượu tiết ra ở lớp dưới thố và nếm thử xem độ nồng vừa chưa là được. Nếu chưa được b lại đậy lại để thêm 1-2 ngày nữa.
Bước 8: Lấy lá chuối ra, xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác, cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt vừa phải, không tiếp tục lên men cay thì sẽ trữ được lâu hơn. Nếu thích vị ngọt hơn và nhiều nước hơn, có thể nấu ít nước đường, để nguội rồi chế vào thố cơm rượu.
Chúc các bạn thành công!
0 nhận xét :
Đăng nhận xét