Món ăn ngon
Tinh hoa ẩm thực
Việt Nam - Thế Giới.
Home » » Cách làm bánh trung thu nhân cốm dừa

Cách làm bánh trung thu nhân cốm dừa

Written By Hoang GH on Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023 | 21:36

Bánh trung thu nhân cốm được đông đảo người tiêu dùng Việt yêu thích bởi vị thanh mát, ngọt nhẹ chuẩn vị Hà Nội.

Trong bài viết này, Món Ăn Ngon sẽ hướng dẫn cho bạn một vài cách làm bánh trung thu nhân cốm trọn vị vô cùng đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà nhé!

Cốm và hương vị mùa thu Hà Nội

Cốm là gì?

Là một món ăn đặc sản của vùng đất Bắc Bộ và khá phổ biến tại Hà Nội. Nguyên liệu chính để tạo nên món cốm này là lúa nếp non. Để có được hương vị thơm ngon đặc trưng, người ta thường chọn lúa nếp có hoa vàng rực.

Lúa non sau khi được thu hoạch phải trải qua nhiều công đoạn chế biến công phu và tỉ mỉ để tạo ra những mẻ cốm thơm ngọt như sữa, mang trong mình hương thơm nhẹ nhàng khi được gói trong lá sen. Vị ngọt ngào thanh mát của cốm đã làm say lòng biết bao người.

Đặc biệt, cốm làng Vòng là một thức quà giản dị nhưng đầy thanh tao và cũng là món cốm nổi tiếng ngon. Đây là loại cốm có ở làng Vòng, nằm tại thôn Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Nam Từ Liêm (hiện nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Loại cốm này mang trong mình hương vị thơm ngọt và thanh mát, đây cũng là hương vị đặc trưng mà ai đặt chân đến Hà Thành đều lưu luyến.


>> Tham khảo: Top món ngon mùa Thu Hà Nội nhất định phải thử

Cốm xuất hiện vào tháng mấy?

Thường thường, khi những ngày trời trở nên dịu mát, cốm bắt đầu xuất hiện trên các con phố của Hà Nội. Tuy nhiên, để thưởng thức món cốm tươi ngon, bạn nên mua vào những ngày đầu vụ cốm, vụ Chiêm từ tháng 5 đến tháng 6, và đặc biệt là cốm vào vụ Mùa từ tháng 8 đến tháng 11 sẽ có hương vị cực thơm ngon.

Mẹo chọn mua cốm

  • Để lựa chọn được những mẻ cốm tươi ngon để làm bánh trung thu, hãy ghi nhớ những mẹo sau đây:
  • Chọn những loại cốm có hạt lúa nếp dai dai, bùi bùi và tỏa hương thơm mát. Điều này chắc chắn rằng cốm được chế biến từ những hạt lúa nếp chất lượng, chín đều và dẻo mềm.
  • Hãy mua vào buổi sáng sớm. Thường thì, những gói cốm ban sáng sẽ là cốm mới và đảm bảo tươi ngon hơn.
  • Tránh chọn những loại cốm có màu vàng hoặc xanh mướt do sử dụng hóa chất. Hãy chọn những loại cốm có hạt màu xanh non tự nhiên và không sử dụng chất tạo màu.

Cách làm bánh nướng nhân cốm dừa trứng muối dẻo ngậy


Nguyên liệu
  • 380gr bột mì
  • 500gr dừa nạo
  • 500gr cốm xanh
  • 300gr nước đường
  • Nước tro tàu
  • 1 lon sữa đặc
  • 50gr bơ lạt
  • 100gr đường
  • 50gr dầu ăn
  • 2 lòng đỏ trứng gà
  • 12 lòng đỏ trứng muối
Dụng cụ thực hiện
  • Lò nướng
  • Khuôn bánh
  • Giấy nến
  • Cọ quét nhỏ
  • Nồi
  • Tô,…
Cách làm bánh trung thu nướng nhân cốm dừa trứng muối

Bước 1: Trộn bột vỏ bánh

Trộn đều 1 lòng đỏ trứng gà và 300gr nước đường, tiếp theo cho thêm vào 50gr dầu ăn, 1 muỗng cà phê nước tro tàu và tiếp tục khuấy cho hỗn hợp hòa tan.

Cho hỗn hợp qua rây để lọc cho mịn.

Sau đó bạn cho 380gr bột mì vào hỗn hợp và trộn đều đến khi hòa quyện lại thành một khối thì bạn có thể dùng tay nhồi cho hỗn hợp bột thành 1 khối bột dẻo mềm.

Để bột vỏ bánh nghỉ khoảng 30 – 35 phút.

Bước 2: Sên nhân cốm dừa

Cho 500gr dừa nạo, 1 lon sữa đặc, 100gr dầu ăn 100gr đường, 50gr bơ lạt vào nồi và sên đảo đều tay trên bếp với lửa vừa trong khoảng 15 đên 20 phút để nhân chín.

Khi phần nhân dừa cạn dần nước, cho thêm 500gr cốm vào và trộn thêm một lát cho nhân dẻo lại thì tắt bếp.

Khi sên nhân xong, bạn đợi nhân nguội bớt rồi chia nhân thành 12 phần bằng nhau.

Cuối cùng ấn dẹt phần nhân cốm rồi cho vào giữa 1 lòng đỏ trứng muối và vo tròn lại.

Bước 3 Gói bánh và tạo hình bánh trung thu nhân cốm

Rắc 1 ít bột mì lên khay để chống dính, sau đó lấy bột vỏ ra nhồi lại cho vỏ bánh thêm dẻo mịn.

Chia vỏ bánh thành 12 phần bằng nhau. Nhấn dẹt phần bột vỏ bánh ra, cho phần nhân cốm trúng muối vào giữa và vo tròn lại.

Phủ thêm 1 lớp bột mì hoặc dầu ăn bên ngoài viên bánh và khuôn bánh để chống dính, sau đó bạn cho bánh vào khuôn và ấn chắc tay để định hình cho bánh.

Cuối cùng bạn gõ nhẹ xung quanh khuôn bánh để lấy bánh ra khỏi khuôn.

Bước 4: Nướng bánh

Trước khi nướng bánh, hãy bật lò ở nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 10 – 15 phút.

Khuấy tan 1 lòng đỏ trứng để lát nữa quét lên bánh sau khi nướng.

Nướng lần 1: 10 phút với nhiệt độ 200 độ C.

Lấy bánh trung thu nhân cốm ra khỏi lò, xịt một chút nước để bánh nguội bớt rồi quét 1 lớp lòng đỏ trứng lên mặt bánh.

Nướng bánh lần 2: 30 phút với nhiệt độ 100 độ C là đã hoàn thành.

Cách làm bánh dẻo nhân cốm dừa thơm ngon chuẩn vị


Nguyên liệu
  • Cốm tươi 100g
  • Dừa nạo 24g
  • Nước dừa tươi 50 ml
  • Đường 24g
  • Nước đường bánh dẻo 260g
  • Dầu ăn 8g
  • Nước hoa bưởi 1 ít
  • Bột nếp 130g
Cách làm bánh trung thu dẻo nhân cốm

Bước 1: Sên nhân cốm dừa

Bắc chảo lên bếp, đảo đều 100gr cốm tươi, 24gr dừa nạo, 50ml nước dừa tươi

Tiếp tục cho 24gr đường vào sên chung với cốm. Sên và đảo đều tay đến khi phần nhân sệt lại, thành một khối kết dính và không dính chảo là được.

Cho nhân ra dĩa, để cho nguội bớt rồi chia thành các viên bằng nhau ( mỗi viên nặng khoảng 50 gram).

Bước 2: Trộn bột bánh dẻo

Cho vào tô lớn hỗn hợp gồm: 130gr nước đường bánh dẻo, 4gr dầu ăn, 65gr bột nếp và 1 ít nước hoa bưởi.

Khuấy đều bột cho đến khi đặc lại và vo được thành viên thì mang ra ngoài nhào bột bằng tay khoảng 3 – 5 phút.

Bước 3: Bọc bánh trung thu nhân cốm

Chia bột bánh thành các phần có trọng lượng bằng nhau, mỗi phần nặng khoảng 100gr.

Cán mỏng từng phần vỏ bánh và cho nhân cốm dừa đã chuẩn bị vào bên trong rồi bọc kín lại (lưu ý miết kỹ phần tiếp giáp để nhân bánh không bị chay ra khi đóng bánh).

Bước 4: Đóng bánh

Áo 1 lớp bột khô hoặc dầu ăn lên mặt bánh và bên trong khuôn bánh để chống dính.

Cho bánh vào khuôn, nhấn giữ khuôn chắc tay từ 10 – 15 giây để bánh tạo hình sắc nét là đã hoàn thành.

Bảo quản bánh nhân cốm dừa đúng cách

Sau khi thành công làm ra những chiếc bánh trung thu nhân cốm thì việc bảo quản đúng cách sẽ làm cho bánh tươi ngon hơn.

Bảo quản nhân cốm dừa
  • Sau khi sên nhân bánh trung thu cốm dừa, cho nhân vào túi ni lông hoặc hộp có nắp đậy kín, cất vào ngăn đá tủ lạnh. Khi lấy phần nhân ra để nặn bánh, bạn chỉ cần rã đông ở nhiệt độ phòng.
Bảo quản bánh nhân cốm
  • Nếu đảm bảo nguyên liệu tươi, ngon, bánh có thể bảo quản được tới 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, bánh trung thu nhân cốm dừa nướng ngon nhất là thưởng thức trong khoảng 2 – 3 ngày sau khi làm.
  • Bạn có thể bảo quản bánh sau khi nướng bằng cách đóng gói kèm gói chống ẩm kín khí (có thể bỏ bánh vào túi nilon, túi zip hoặc hộp có nắp kín).
  • Khi dùng bánh còn dư, hãy bọc bánh lại bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Bánh để trong tủ lạnh sẽ cứng hơn, khi sử dụng hay để bánh ở nhiệt độ phòng trong 30 phút hoặc cho vào lò vi sóng khoảng 1 phút với nhiệt độ thấp để bánh được mềm và ngon hơn.
Với những thông tin về cốm và các cách làm bánh trung thu nhân cốm trong bài viết này. Món Ăn Ngon mong rằng bạn có thể thành công làm ra những chiếc bánh nhân cốm dẻo thơm để đón một cái Tết trung thu thật trọn vẹn.

Chúc bạn thành công!

SHARE

About Hoang GH

0 nhận xét :

Đăng nhận xét